Tiếng việt
English

Để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

Gần đây, dư luận chú ý nhiều đến vụ việc một công ty sản xuất mì gói tuyên bố đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi kiện đối thủ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu (trademark) vì cho rằng đối thủ đã sử dụng bao bì gần giống sản phẩm của mình. Trong một vụ việc khác, hai công ty sữa đang tranh cãi chưa ngã ngũ về việc cùng phát triển các dòng sản phẩm cho trẻ em có chung tên gọi.

Mặc dù các bên đang chờ cơ quan có thẩm quyền phân xử để có kết quả cuối cùng, các vụ việc này cho thấy một thực tế là việc bảo hộ nhãn hiệu, một trong những tài sản quan trọng nhất của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng đúng mức dẫn đến các tranh chấp không cần thiết, thậm chí là bị cáo buộc vi phạm hoặc “mất” nhãn hiệu vào tay của doanh nghiệp khác.

Trong phạm vi bài này, người viết nêu một số điểm quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý để có thể thực hiện những bước cần thiết xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí pháp lý, và chi phí rủi ro trong quá trình kinh doanh của mình.

Cần có nhận thức đầy đủ về nhãn hiệu

Nếu tên thương mại được dùng để phân biệt các doanh nghiệp với nhau, thì nhãn hiệu được dùng để phân biệt sản phẩm của các doanh nghiệp; do vậy, người ta thường hiểu nhãn hiệu là tên gọi của sản phẩm.

Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (khoản 16 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)). Như vậy, nhãn hiệu không chỉ bao gồm chữ cái (tên gọi của sản phẩm), mà còn có thể bao gồm những dấu hiệu có thể nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc (khoản 1 điều 72 Luật SHTT). Với ý nghĩa là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, để được bảo hộ, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác, hay nói cách khác nhãn hiệu đó phải có tính đặc trưng giúp cho người tiêu dùng có thể dễ nhận biết và ghi nhớ hàng hóa, dịch của chủ sở hữu đó.

Nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu là bảo hộ tổng thể

Chính vì vậy, khi xây dựng nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần chú ý không chỉ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu mà cả ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu đó. Ví dụ trong trường hợp tranh chấp giữa hai công ty sản xuất mì gói, tên gọi của sản phẩm mà bên bị khiếu nại sử dụng tuy khác với tên gọi trong nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của bên khiếu nại, nhưng bên khiếu nại cho rằng mẫu bao bì của bên bị khiếu nại có cách trình bày, kiểu chữ, tổ hợp màu sắc tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ nên đã xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của mình. Quan điểm này của bên khiếu nại đã được cục SHTT ủng hộ.

Để hạn chế trường hợp một bên thứ ba sử dụng một phần nhãn hiệu của mình dẫn đến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khi đăng ký bảo hộ cho một nhãn hiệu, các doanh nghiệp cũng có thể tiến hành đăng ký bảo hộ riêng rẽ cho từng dấu hiệu trong nhãn hiệu nếu chúng đáp ứng các điều kiện về khả năng phân biệt thì mới có thể được bảo hộ.

Trường hợp của nhãn hiệu mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang là một ví dụ điển hình. Công ty Hoa Thiên Phú đã đăng ký bảo hộ phần chữ Sắc Ngọc Khang như một nhãn hiệu riêng biệt và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận từ năm 2013. Nhờ vậy, Công ty Hoa Thiên Phú đã có thể yêu cầu Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ tuýt còi Công ty Tân Đại Dương vì sử dụng cụm từ này trên sản phẩm của mình gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nộp đơn xin bảo hộ càng sớm càng tốt

Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu có thể được xác lập thông qua hai cơ chế là đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc tự động xác lập khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Hiện nay, cơ chế tự động chỉ được áp dụng đối với nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các nhãn hiệu nổi tiếng thường là các nhãn hiệu đã tồn tại lâu đời, được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia và được nhiều người biết đến. Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình và có quyền yêu cầu tòa án hoặc cục sở hữu trí tuệ xem xét và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng trong từng vụ việc cụ thể, ví dụ như khi phát hiện có doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình.

Đối với các nhãn hiệu thông thường, quyền sở hữu chỉ được xác lập khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu với cục SHTT. Các quy định pháp luật hiện nay về bảo hộ nhãn hiệu áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, để chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu của người đăng ký trước dựa vào ngày nộp đơn. Hay nói cách khác, trong trường hợp có nhiều người nộp đơn khác nhau cùng đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn, người đăng ký trước sẽ được xem xét cấp văn bằng bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam, quá trình đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với một nhãn hiệu có thể kéo dài từ 13-18 tháng, trải qua hai giai đoạn chính là xét nghiệm hình thức và xét nghiệm nội dung, trong khi các doanh nghiệp thường không thể đợi cho đến khi xác lập được quyền sở hữu này rồi mới đưa sản phẩm ra thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp có thể vận dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để đảm bảo việc xác lập quyền của mình bằng cách nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu vào thời điểm sớm nhất có thể.

Ngoài ra, do Việt Nam là thành viên của Công ước Madrid, pháp luật SHTT Việt Nam cũng áp dụng nguyên tắc quyền ưu tiên. Theo đó, nếu một người đã nộp đơn hợp lệ lần đầu tiên tại một quốc gia thành viên khác của Công ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu Quốc tế (CU Madrid) có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu đó tại Việt Nam và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn đầu tiên. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký nhãn hiệu tại một quốc gia khác là thành viên của Nghị định thư Madrid.

Tra cứu sơ bộ trước khi quyết định nộp đơn

Quá trình 18 tháng kể từ lúc nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu đến khi có quyết định dự định cấp văn bằng bảo hộ từ Cục SHTT, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nguy cơ không xác lập được quyền sở hữu nhãn hiệu do không đáp ứng yêu cầu về nội dung (đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ mà luật SHTT quy định). Hồ sơ xin bảo hộ có thể bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau (như ký tự không có nghĩa, sử dụng địa danh, tên riêng,...), tuy nhiên nguyên nhân bị từ chối phổ biến là trùng với một nhãn hiệu đã được cấp bảo hộ hoặc được người khác đăng ký.

Công việc tra cứu sơ bộ cần được tiến hành song song với quá trình phát triển sản phẩm, bởi lẽ nó sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược marketing đúng đắn, rút ngắn thời gian đăng ký và tiết kiệm chi phí. Quan trọng hơn hết, việc tra cứu sơ bộ giúp cho doanh nghiệp có thể kịp thời tiến hành đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xác lập quyền của mình theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.

Lưu ý rằng, nhãn hiệu có thể gồm chữ và hình, doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ chữ và hình cùng nhau hoặc riêng lẻ, do đó, khi tra cứu, cần phải tra cứu cả phần chữ, phần hình, nhóm sản phẩm sử dụng nhãn hiệu để từ đó có thể xác định được nhãn hiệu đối ứng một cách chính xác.

Bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài

Quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ chỉ được thừa nhận trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đăng ký. Nghĩa là nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam không đương nhiên được bảo hộ tại thị trường Hoa Kỳ. Trong thời gian qua đã có một số nhãn hiệu Việt Nam bị đăng ký tại nước ngoài khiến cho doanh nghiệp tốn kém không ít chi phí khi muốn mở rộng thị trường. Chi phí đăng ký và duy trì một nhãn hiệu thường không nhiều, do vậy, các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch kinh doanh để đăng ký tại quốc gia nơi dự định xuất khẩu hàng hóa dịch vụ trong tương lai gần.

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn. Chủ sở hữu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Kể từ thời điểm văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp, chủ thể có quyền độc quyền khai thác, sử dụng, định đoạt và ngăn cản bất kỳ bên thứ ba nào sử dụng nhãn hiệu hoặc các dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, theo quy định hiện hành nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục sẽ có thể bị yêu cầu chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp được sử dụng hoặc sử dụng lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực. Do vậy, doanh nghiệp cần có kế hoạch khai thác nhãn hiệu phù hợp để tránh bị hủy bỏ văn bằng bảo hộ.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

 

 

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

Để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

10/ 10 - 3329 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 1386
Hình ảnh trụ sở

        Bảng hiệu công ty

Hỗ trợ nhanh

Ms.Tiên/Ms Quyên

phone0938 373 373

Đường đến Đông Dương
Bản đồ
Đăng ký nhận bản tin

© Copyright by  www.dangkynhanhieu.net.vn, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng