Tiếng việt
English

Giới thiệu những nội dung cơ bản dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ có số lượng điều sửa đổi bổ sung là 93 điều và bãi bỏ 01 điều, bao quát cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và phần hỗ trợ bảo vệ quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009, 2019). Trong hai lần sửa đổi, bổ sung này số lượng điều được sửa đổi, bổ sung không nhiều, tập trung chủ yếu vào việc thực hiện nghĩa vụ theo lộ trình các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

 

Trải qua hơn 15 năm thi hành và trong điều kiện phát triển mới của đất nước, Luật Sở hữu trí tuệ cần được sửa để đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.”; (ii) Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đã được nhận diện rõ của Luật hiện hành để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới; (iii) Tiếp tục nội luật hóa theo lộ trình các cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA với những yêu cầu cao về chuẩn mực thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (iv) Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan đã được Quốc hội ban hành trong thời gian qua.

 

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ đang lấy ý kiến rộng rãi và đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khoá XIV.

 

Giới thiệu những nội dung cơ bản dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

 

 

1. Định hướng của phạm vi sửa đổi, bổ sung

 

 Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm:

 

1.1 Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan;

 

1.2 Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước;

 

1.3 Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp;

 

1.4 Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

 

1.5 Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ;

 

1.6 Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

 

1.7 Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

 

2. Về bố cục

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 80 điều của 14 chương (Chương II, III, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XVI, XVIII), cụ thể như sau: (i) Sửa đổi, bổ sung 67 điều: Điều 3, 4, 20, 21, 22, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 35, 36, 49, 50, 52, 55, 56, 60, 72, 73, 74, 75, 79, 80, 86, 88, 92, 95, 96, 97, 100, 103, 106, 109, 110, 112, 117, 121, 123, 124, 125, 128, 130, 139, 145, 146, 151, 153, 154, 155, 157, 158, 163, 165, 171, 176, 186, 188, 190, 198, 201, 211, 213, 216; (ii) Bổ sung 01 mục: Mục 5 Chương VIII; (iii) Bổ sung 13 điều: Điều 56a, 86a, 89a, 112a, 119a, 120b, 120c, 128a, 131a, 133a, 136a, 198a, 198b

 

Sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Sở hữu trí tuệ có 18 chương và 235 điều (giữ nguyên số chương và tăng 13 điều so với Luật hiện hành)

 

3. Về những nội dung cơ bản

 

3.1 Về Phần Những quy định chung

 

3.1.1 Sửa đổi, bổ sung Điều 3 (Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ) theo hướng bổ sung đối tượng quyền đối với giống cây trồng là “sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống được bảo hộ” nhằm hạn chế các hành vi đưa vật liệu thu hoạch một cách bất hợp pháp ra nước ngoài chế biến, sau đó nhập sản phẩm chế biến từ vật liệu bất hợp pháp trở lại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng chủ yếu nguyên liệu thô.

 

3.1.2 Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tại Điều 4 (Giải thích từ ngữ), cụ thể:

a) Bổ sung các từ ngữ “tác giả”, “biện pháp công nghệ bảo vệ quyền” và “thông tin quản lý quyền”; sửa đổi, bổ sung nội dung từ ngữ “sao chép”; sử dụng từ ngữ “tiền bản quyền” thay cho 3 từ ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “quyền lợi vật chất” để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

b) Sửa đổi khoản 13 về kiểu dáng công nghiệp nhằm thi hành nghĩa vụ tại Điều 12.35 Hiệp định EVFTA về bảo hộ một phần/bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh và xác định rõ phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền cũng như thực thi quyền kiểu dáng công nghiệp. Theo đó sử dụng lời văn đã được thể hiện tại Nghị quyết số 102/2020/QH14(1) ngày 8/6/2020 về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA để chính thức đưa vào Luật.

c) Bỏ khoản 19 về nhãn hiệu liên kết vì ngoài khái niệm được đưa ra ở khoản này, trong Luật không quy định một cơ chế đặc biệt nào cho nhãn hiệu liên kết. Các nhãn hiệu liên kết được đối xử như những nhãn hiệu độc lập thông thường (ví dụ, về điều kiện bảo hộ, nghĩa vụ sử dụng v.v.), do đó quy định về nhãn hiệu liên kết rất ít được áp dụng trên thực tế, chưa kể còn gặp một số bất cập nhất định trong thực tiễn thi hành (ví dụ, người nộp đơn phải khai đơn phức tạp hơn trong khi không được hưởng cơ chế gì hơn; hay việc sơ sót không đánh dấu vào ô nhãn hiệu liên kết trong Tờ khai có thể dẫn đến việc bị từ chối bởi chính nhãn hiệu đối chứng của mình).

d) Sửa đổi khoản 20 về nhãn hiệu nổi tiếng nhằm xác định rõ phạm vi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng là trên cơ sở “người tiêu dùng có liên quan” để phù hợp với tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75.

e) Sửa đổi khoản 22 về chỉ dẫn địa lý nhằm bảo đảm sự hợp lý về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm về chỉ dẫn địa lý, đồng thời bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm.

 

3.2 Về Phần Quyền tác giả, quyền liên quan

 

3.2.1 Sửa đổi Điều 20 (Quyền tài sản), theo đó làm rõ các nội dung quyền như quyền biểu diễn; quyền sao chép; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng; quyền truyền đạt, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn; quyền cho thuê và quy định về cạn quyền để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực thi theo cam kết quốc tế.



(1) “Kiểu dáng công nghiệp” là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Hình dáng bên ngoài được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Xem thêm

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Giới thiệu những nội dung cơ bản dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ Giới thiệu những nội dung cơ bản dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Giới thiệu những nội dung cơ bản dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

10/ 10 - 3353 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 1036
Hình ảnh trụ sở

        Bảng hiệu công ty

Hỗ trợ nhanh

Ms.Tiên/Ms Quyên

phone0938 373 373

Đường đến Đông Dương
Bản đồ
Đăng ký nhận bản tin

© Copyright by  www.dangkynhanhieu.net.vn, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng