Tiếng việt
English

Luật chạm nhau, xử thế nào?

Phiên tòa xử vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa công ty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Việt Hàn (TMV Việt Hàn - trụ sở tại số 5 Bình Thới, Q.11, TP.HCM) với hộ kinh doanh Việt Hàn (Spa Việt Hàn - 52C Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) vẫn chưa thể đi đến kết thúc mà đã phải hoãn lại giữa chừng. Sự va chạm giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong vụ tranh chấp này là một câu chuyện khá nhức đầu.

Xâm phạm bản quyền

Như tin đã đưa, hồi năm 2015, TMV Việt Hàn bất ngờ phát hiện mình bị chê trên một trang mạng là thực hiện dịch vụ triệt lông không hiệu quả, trong khi từ trước đến nay TMV này không thực hiện dịch vụ đó bao giờ.

Lần theo thông tin với từ khoá “Spa Việt Hàn”, họ phát hiện có đến 2 cơ sở spa cũng mang tên Việt Hàn, một ở 52C Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Đa Kao, Q.1 và một ở 90 Lê Quang Định, P.14, Q.Bình Thạnh, TP HCM. 

Khách hàng đã bị nhầm lẫn giữa TMV Việt Hàn với một trong 2 spa Việt Hàn nói trên. Điều đáng nói là cả hai cơ sở spa này đều treo biển hiệu “công ty TNHH thương mại Việt Hàn”.

Trong khi thương hiệu Việt Hàn của TMV Việt Hàn đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, cho rằng sự nhầm lẫn này của khách hàng bởi nguyên nhân trùng tên nhãn hiệu là một sự xâm phạm bản quyền, TMV Việt Hàn đã “tố” sự việc lên Cục Sở hữu trí tuệ. 

Ngày 25/05/2015, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thanh tra về sở hữu công nghiệp với cả hai cơ sở Spa Việt Hàn. Xác minh của Thanh tra cho thấy cả hai đều vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của TMV Việt Hàn. Và cả hai đều đứng tên đăng ký kinh doanh là bà Lê Thị Tú Uyên. 

Do dịch vụ spa và dịch vụ khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ đều thuộc nhóm 44 trong phạm vi bảo hộ (đều có mục đích làm đẹp), đoàn thanh tra kết luận: “Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ”. Tại biên bản của đoàn thanh tra, bà Lê Thị Tú Uyên cũng đã thừa nhận những vi phạm của mình. 

Luật chạm nhau

Tại tòa, trả lời câu hỏi tại sao được cấp giấy phép là “hộ kinh doanh Việt Hàn” mà lại treo biển là “công ty TNHH thương mại Việt Hàn”, đại diện spa Việt Hàn giải thích rằng lúc đó họ có ý định đăng ký thành lập công ty nên treo bảng hiệu như vậy(!). 

Tại tòa, họ cũng cho biết là đã sửa chữa bảng hiệu thành “Hộ kinh doanh Việt Hàn”. Tuy nhiên, vẫn còn đó hai chữ “Việt Hàn” nên TMV Việt Hàn không đồng ý. 

Trong đơn kiện, TMV Việt Hàn kiện spa Việt Hàn đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu Spa Việt Hàn phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Việt Hàn” đang được bảo hộ của TMV Việt Hàn. Tuy nhiên, spa Việt Hàn cho rằng mình được UBND quận cấp phép với tên như thế nào thì họ để y nguyên như vậy.

Hội đồng xét xử đã rất công tâm khi xem xét toàn bộ quá trình spa Việt Hàn xâm phạm bản quyền. Chủ tọa hỏi bị đơn có thừa nhận là mình đã sai phạm trong việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nguyên đơn hay không, đại diện spa Việt Hàn lúc thì khẳng định là không, lúc lại thừa nhận là có. Khi khẳng định là không thì Chủ tọa hỏi tại sao lại ghi vào biên bản của đoàn thanh tra là thừa nhận các vi phạm. Đại điện spa Việt Hàn cho biết “Lúc đó chúng tôi đánh giá nhẹ việc thủ tục hành chính, cứ nghĩ ký đại đi cho qua chuyện.”.

Chủ tọa đặt một câu hỏi mà bị đơn có thể có đường thoát: “Không đồng ý sao không khiếu nại quyết định của Thanh Tra?”. Đại diện spa Việt Hàn không có câu trả lời và cho biết sẽ có đơn gửi khiếu nại Thanh Tra sau. Chủ tọa nói bây giờ phiên tòa đã mở rồi, khiếu nại còn có giá trị gì nữa.

Còn lại lập luận “được UBND quận cấp phép với tên như thế nào thì họ để y nguyên như vậy” thì câu chuyện trở nên cân não đối với các bên.

Trong khi Nghị định 43/2010/NĐ-CP, và bây giờ là nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp quy định “Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.” (Điều 73, khoản 4) thì luật Sở hữu trí tuệ lại không chấp nhận điều này trong tình huống có tranh chấp nhãn hiệu/tên thương mại. Vấn đề ở đây là đã có sự va chạm giữa các văn bản quy phạm pháp luật: luật Sở hữu trí tuệ và nghị định hướng dẫn luật Doanh nghiệp.

Yếu tố “Việt Hàn” ở đây đang bị trùng nhau. Có một thực tế là Spa Việt Hàn đăng quảng cáo khá rầm rộ trên internet. Không gian trong thế giới phẳng thì phạm vi là toàn cầu chứ không chỉ bị giới hạn trong không gian hành chính quận 1, Tp. HCM. Điều này có nghĩa là nếu Tòa không chấp thuận đề nghị của TMV Việt Hàn yêu cầu spa Việt Hàn phải đổi tên thì nhãn hiệu “Việt Hàn & hình” đang được bảo hộ trên toàn quốc của TMV Việt Hàn có nguy cơ tiếp tục bị xâm phạm sau phiên xử này. 

Luật sư Đoàn Tiến Hưng (công ty Luật TNHH Mạnh Hùng, Tp. HCM) cho rằng sự vụ phải được áp dụng theo luật Sở hữu trí tuệ. Theo ông, luật Doanh nghiệp khẳng định “Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó.” (khoản 2 điều 3). Thống nhất theo đó, luật Sở hữu trí tuệ cũng khẳng định “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này.” (khoản 2 điều 5).

Luật sư Hưng cho biết thêm, về khả năng phân biệt của tên thương mại, luật Sở hữu trí tuệ cũng khẳng định: “Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: (...) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. (Điều 78, khoản 3).

Và điều 129 luật SHTT quy định chỉ cần sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chứ không phân biệt đó là tổ chức cá nhân nào, không phân biệt hộ kinh doanh, công ty, hay tập đoàn…

Nói gì thì nói, cùng hoạt động trong một nhóm ngành thì việc trùng tên hai cơ sở khác nhau xa lắc về trình độ chuyên môn, kỹ thuật như vậy thì không chỉ gây hại cho cơ sở có đẳng cấp cao hơn mà còn gây hại cho khách hàng khi nhầm lẫn sử dụng phải dịch vụ kém chất lượng. (theo PLO)

 

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Luật chạm nhau, xử thế nào? Luật chạm nhau, xử thế nào?

Luật chạm nhau, xử thế nào?

10/ 10 - 3309 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 2387
Hình ảnh trụ sở

        Bảng hiệu công ty

Hỗ trợ nhanh

Ms.Tiên/Ms Quyên

phone0938 373 373

Đường đến Đông Dương
Bản đồ
Đăng ký nhận bản tin

© Copyright by  www.dangkynhanhieu.net.vn, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng